Thế chấp bằng quyền sử dụng đất
Chia sẻ bài viết
Thế chấp quyền sử dụng đất là một trong những lựa chọn phổ biến của các cá nhân, tổ chức khi muốn vay vốn phục vụ đầu tư, sản xuất kinh doanh hoặc xử lý các công việc cá nhân. Vậy, pháp luật đang có những quy định như thế nào về hình thức giao dịch quyền sử dụng đất này? Bài viết bên dưới sẽ cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản về Khái niệm, Chủ thể, Điều kiện và Trình tự, thủ tục của hình thức giao dịch thừa kế quyền sử dụng đất. Trong đó phần Trình tự, thủ tục được trình bày ngắn gọn với 5 bước, bao gồm Ký hồ sơ vay vốn với tổ chức tín dụng được phép; Công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất; Nộp hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất; Tiếp nhận hồ sơ; Giải quyết hồ sơ đăng ký, trả kết quả.
1. Khái niệm
Thế chấp bằng quyền sử dụng đất là việc người sử dụng đất dùng quyền sử dụng đất của mình đi thế chấp để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự, ví dụ như nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ bồi thường.
2. Chủ thể
2.1. Chủ thế có quyền thế chấp quyền sử dụng đất
- Tổ chức kinh tế, nếu nguồn gốc sử dụng đất không thuộc các trường hợp sau:
+ Được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
+ Sử dụng đất tại cảng hàng không, sân bay.
+ Được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm.
- Hộ gia đình, cá nhân nếu nguồn gốc sử dụng đất không thuộc các trường hợp sau:
+ Được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
+ Sử dụng đất tại cảng hàng không, sân bay.
+ Được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu nguồn gốc sử dụng đất không thuộc các trường hợp sau:
+ Được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
+ Được Nhà nước cho thuê đất mà đóng tiền thuê đất hằng năm.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nếu nguồn gốc sử dụng đất không thuộc các trường hợp sau:
+ Được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
+ Được Nhà nước cho thuê đất mà đóng tiền thuê đất hằng năm.
2.2. Chủ thể có quyền nhận thế chấp quyền sử dụng đất
- Đối với quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân:
+ Tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.
+ Cá nhân, tổ chức kinh tế (đáp ứng điều kiện tại điều 35 Nghị định 21/2021/NĐ-CP).
- Đối với quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, của người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.
3. Điều kiện
Căn cứ theo Điều 188 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau:
- Đất phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Đất không có tranh chấp.
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
- Đất thế chấp phải trong thời hạn sử dụng đất.
- Việc thế chấp bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền trong vòng 30 ngày kể từ ngày có biến động và có hiệu lực từ khi đăng ký vào sổ địa chính.
4. Trình tự, thủ tục
Việc thế chấp quyền sử dụng đất cho tổ chức tín dụng cần thực hiện 5 bước sau đây:
Bước 1: Ký hồ sơ vay vốn với tổ chức tín dụng được phép
Việc ký kết hồ sơ vay vốn được thực hiện giữa bên thế chấp tài sản và tổ chức tín dụng được phép như ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng hợp tác xã...
Bước 2: Công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất
- Để thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, người sử dụng đất cần cung cấp cho công chứng viên những hồ sơ như sau:
+ Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng (theo mẫu).
+ Dự thảo hợp đồng thế chấp (nếu có).
+ Bản gốc minh nhân dân, sổ hộ khẩu của bên thế chấp và giấy tờ của bên nhận thế chấp.
+ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu chưa kết hôn)/ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của bên thế chấp.
+ Bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng mà pháp luật quy định phải có.
+ Giấy tờ chứng minh đối với trường hợp không phải nộp phí khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định.
- Nơi công chứng: Văn phòng công chứng quận/ huyện nơi có đất.
Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất
- Hồ sơ:
+ Phiếu yêu cầu đăng ký.
+ Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật quy định.
+ Bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
+ Văn bản thỏa thuận có công chứng giữa người sử dụng đất và người sở hữu tài sản gắn liền với đất nếu người sử dụng đất không đồng thời là người sở hữu tài sản gắn liền với đất.
+ Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền.
+ Một trong các loại giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng không phải nộp phí khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm (theo quy định tại Điều 12 Nghị định 102/2017/NĐ-CP).
- Nơi nộp hồ sơ:
+ Địa phương đã thành lập bộ phận một cửa thì nộp tại bộ phận một cửa cấp quận/ huyện.
+ Điạ phương chưa thành lập bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp quận/ huyện nơi có đất.
Bước 4: Tiếp nhận hồ sơ
Sau khi nhận hồ sơ, người tiếp nhận kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký.
- Nếu hồ sơ đăng ký hợp lệ: Bộ phận tiếp nhận sẽ ghi nhận và hẹn trả kết quả cho người nộp hồ sơ.
- Nếu hồ sơ đăng ký không hợp lệ: người tiếp nhận hướng dẫn người yêu cầu đăng ký trực tiếp hoàn thiện hồ sơ hoặc lập văn bản hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Bước 5: Giải quyết hồ sơ đăng ký, trả kết quả
- Người sử dụng đất nộp tiền theo thông báo của cơ quan thuế (Nếu có).
- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành giải quyết yêu cầu và trao chứng nhận cho người sử dụng đất theo quy định.
Thời hạn thực hiện:
- Nơi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đăng ký và cung cấp thông tin ngay trong ngày khi nhận được hồ sơ hợp lệ
- Nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ, thì hoàn thành việc đăng ký, cung cấp thông tin ngay trong ngày làm việc tiếp theo.
- Trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, thì cũng không quá 03 ngày làm việc.
Các hình thức giao dịch quyền sử dụng đất khác, vui lòng tìm đọc theo link bên dưới.
(1) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
(2) Tặng cho quyền sử dụng đất.
(3) Thừa kế quyền sử dụng đất.
(4) Góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
(5) Cho thuê và cho thuê lại quyền sử dụng đất.
(6) Chuyển đổi quyền sử dụng đất.
Tài liệu này mang tính chất tham khảo. Thực tế có thể thay đổi tùy thuộc vào tình huống cụ thể và theo quy định pháp luật tại từng thời điểm.
D.T